Lào Cai 26° - 27°
Dấu ấn nông nghiệp Lào Cai

Tại xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng), mô hình trồng dưa lê vân lưới Nhật Bản trong nhà màng công nghệ Isarel được trồng thành công đã đem lại hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại địa phương. Mô hình này được HTX Nông nghiệp công nghệ cao Gia Phú đầu tư với số vốn hơn 2 tỷ đồng. Điểm nổi bật của mô hình là việc tưới nước, pha chế chất khoáng, dinh dưỡng cung cấp cho cây đều hoàn toàn tự động, do đó không tốn lao động, dưa phát triển tốt, năng suất cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nhiều cửa hàng kinh doanh hoa quả tại thành phố Lào Cai và các địa phương tin dùng. Ông Trần Ngọc Huế, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Gia Phú khẳng định: Thành công bước đầu sẽ tạo động lực để HTX đưa thêm nhiều giống cây trồng cao cấp vào thử nghiệm và ổn định sản xuất, cung cấp ra thị trường những nông sản sạch, có chất lượng.

Mô hình trồng dưa lê vân lưới ứng dụng công nghệ cao tại Bảo Thắng.

Cũng mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, Công ty TNHH Anh Nguyên (Bắc Hà) đã đầu tư mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa thương phẩm tại thị trấn Bắc Hà theo công nghệ sinh học với hơn 1.000 đầu lợn mỗi lứa, cung ứng thịt lợn an toàn vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng phân phối nông sản sạch, an toàn của Lào Cai và thành phố Hà Nội. Mới đây, công ty tiếp tục đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Lùng Phình (Bắc Hà) với mô hình canh tác rau cao cấp an toàn trong nhà màng công nghệ, hệ thống tưới tự động điều khiển từ xa. Tại đây, hơn 10 loại rau ăn lá, rau ăn quả được canh tác hoàn toàn bằng công nghệ sinh học, giống nhập từ Nhật Bản, Đài Loan... Theo ông Vũ Kim Hải, Giám đốc Công ty TNHH Anh Nguyên, mô hình được đầu tư xây dựng hướng tới một khu sản xuất nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai. Khi sản xuất ổn định, nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan điển hình trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lào Cai.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm mô hình chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, đem lại nguồn thu lớn cho nhiều nông dân tham gia sản xuất ở các địa phương. Đặc biệt, thực hiện chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lâm Đồng, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân ở các địa phương có cơ hội tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu đạt hiệu quả và từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ ứng dụng sản xuất theo công nghệ tiên tiến, các cơ sở sản xuất này còn khai thác thế mạnh các ứng dụng của mạng xã hội như facebook, trang thông tin điện tử... để quảng bá, phân phối sản phẩm, thu hút nhiều khách du lịch và người tiêu dùng quan tâm. Vườn dâu tây của anh Trần Tuấn Nghĩa tại xã Tả Phìn (huyện Sa Pa) là một minh chứng. Năng động và dám làm, gia đình anh Nghĩa đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng mô hình nhà lưới trồng dâu tây theo công nghệ cao. Anh còn tích cực quảng bá cơ sở sản xuất này trên facebook để kết nối bạn bè, vì thế khách du lịch khi đến Sa Pa đều muốn trải nghiệm tại đây. Người tiêu dùng yên tâm mua và sử dụng dâu tây quả từ vườn của gia đình anh Nghĩa.

Thông qua những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều nông dân trong tỉnh đã tiếp cận đưa công nghệ hiện đại vào khâu trồng, chăm sóc và đẩy mạnh đầu tư dây chuyền chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, tỉnh có gần 1.700 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác. Trung bình giá trị canh tác rau an toàn đạt 300 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi cũng được chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh đã có 452 trang trại, 8 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và các gia trại thực hiện 2 chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng...

Mô hình trồng rau an toàn theo công nghệ sinh học trong nhà màng tại Lùng Phình - Bắc Hà.

Hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã lập các website riêng để quảng bá sản phẩm, đồng thời tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên phần mềm điện tử nhằm minh bạch thông tin nguồn gốc nông sản, sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm thủy sản tỉnh Lào Cai, đến thời điểm này đã có 189 dòng sản phẩm của 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh (smartphone). Các huyện, thành phố trong tỉnh cũng thúc đẩy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (như liên kết sản xuất vụ đông ở các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát…).

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, để hướng tới nền nông nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp đang tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức thực hiện tốt Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, bao gồm cả nông nghiệp công nghệ cao. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh quảng bá và đưa các sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế...                 

 Nguyễn Hồng Quế - QLKH
Theo: http://baolaocai.vn/kinh-te
Tin nổi bật
Hoạt động chuyên ngành
Thông tin - Báo cáo
Văn bản chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập