Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Sáng 22/5, tại phiên làm việc toàn thể tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) đã tham gia góp ý vào 4 vấn đề của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).


anh tin bai

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra để đáp ứng yêu cầu của công cuộc sắp xếp bộ máy, cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia, cũng như yêu cầu cấp bách trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý sai phạm trong quản lý nhà nước. Việc sửa đổi lần này cần thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo tại các nghị quyết của Đảng, đồng thời khắc phục triệt để những bất cập đã được chỉ ra qua thực tiễn.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đã đóng góp một số ý kiến.

Thứ nhất, về thanh tra viên (Điều 8): Dự thảo đã tích hợp nội dung các điều từ 38 đến 43 của luật hiện hành vào 1 điều duy nhất - Điều 8. Tuy nhiên, nội dung này hiện mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung. Trong khi đó, việc bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp trên thực tế đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện rất cụ thể như thời gian giữ ngạch, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ… Nếu không quy định rõ hoặc không giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thì rất dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi vận dụng một kiểu, làm giảm tính chuẩn mực và chuyên nghiệp của lực lượng thanh tra. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên.

Thứ hai, về thời hạn thanh tra (Điều 20): Dự thảo đã có sửa đổi nhằm phù hợp với cơ cấu tổ chức thanh tra sau sắp xếp, trong đó quy định thời gian gia hạn thanh tra trong trường hợp phức tạp hoặc vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa khó khăn đi lại từ không quá 30 ngày sang không quá 30 ngày làm việc, tức là tăng thêm khoảng 40% thời gian. Mặc dù điều chỉnh này nhằm tạo điều kiện cho các đoàn thanh tra trong những trường hợp đặc thù, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ kéo dài thời gian thanh tra, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được thanh tra.

Quan trọng hơn, quy định này chưa thực sự phù hợp với với mục tiêu cải cách hành chính, cắt giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ pháp luật - vốn đang là yêu cầu cấp thiết để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị rà soát, điều chỉnh thời gian thanh tra theo hướng tinh gọn, khoa học hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo chưa làm rõ thế nào là tình huống “phức tạp”. Trên thực tế, có nhiều tình huống phát sinh như: Phải trưng cầu giám định, đối tượng không hợp tác, vụ việc liên quan đến nhiều địa phương, bộ, ngành. Trong một số trường hợp như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… việc gia hạn cần có cơ chế riêng. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết các tình huống được coi là “phức tạp” và điều kiện để được gia hạn, nhằm tránh tùy tiện, đồng thời bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động thanh tra.

Thứ ba, về đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra (Điều 60): Dự thảo đã bước đầu thể hiện định hướng đúng khi xác lập vai trò của công nghệ và dữ liệu trong công tác thanh tra. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu đề xuất bổ sung 3 nội dung: Một là, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thanh tra tập trung, liên thông và dùng chung giữa các cơ quan, tránh tình trạng manh mún, chồng chéo, thiếu kết nối như hiện nay. Hai là, cụ thể hóa “chuẩn mực thanh tra” thành hệ thống tiêu chí, quy trình nghiệp vụ thống nhất, bảo đảm tính chuyên nghiệp, khách quan và thuận lợi trong kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra. Ba là, xác định rõ danh mục ưu tiên đầu tư như phần mềm quản lý, thiết bị kiểm tra hiện trường, hệ thống xử lý dữ liệu thông minh… Việc đầu tư cần gắn với kế hoạch chuyển đổi số quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn, tránh dàn trải, thiếu trọng tâm, gây lãng phí.

Thứ tư, về chuyển đổi số và hiện đại hóa hoạt động thanh tra: Dự thảo hiện chưa đề cập đầy đủ đến nội dung chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, trong khi đây không chỉ là xu thế mà là yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra trong bối cảnh mới. Theo đại biểu, chuyển đổi số là công cụ quan trọng giúp số hóa quy trình, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, đồng thời nâng cao tính minh bạch, kịp thời phát hiện rủi ro và sai phạm - nhất là trong quản lý tài chính, đầu tư công. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung chuyển đổi số như một nguyên tắc định hướng xuyên suốt trong hoạt động thanh tra, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để triển khai hiệu quả và đồng bộ trên toàn hệ thống…

Theo https://baolaocai.vn/

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin nổi bật
Hoạt động chuyên ngành
Thông tin - Báo cáo
Văn bản chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập