Tác động của các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi trong giai đoạn 2004 - 2015 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai
Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc Việt Nam, phía Đông giáp với tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp với tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp với tỉnh Lai Châu, còn phía Bắc giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; nằm trong lưu vực của 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, có nhiều dãy núi cao nên địa hình bị chia cắt. Có nhiều tiểu vùng khí hậu, trong đó có 2 vùng đặc trưng là nhiệt đới và ôn đới. Đất đai phì nhiêu và đặc biệt là độ cao đã tạo cho Lào Cai các tiểu vùng khí hậu rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp.
Có thể khẳng định Chương trình nông thôn miền núi rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của những vùng còn khó khăn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Thông qua hoạt động xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất và đời sống đã giúp cho người dân tiếp cận nhanh những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật. Hỗ trợ kinh phí để người dân xây dựng mô hình, sản phẩm được người dân thụ hưởng, điều này đã có ý nghĩa rất lớn đối với việc huy động nguồn vốn từ người dân làm cơ sở vững chắc cho dân mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Chương trình cũng đã tạo tiền đề cho những vùng sản xuất tương đối phát triển để tiếp tục phát triển sản xuất các sản phẩm mang tính hàng hoá có giá trị cao, thương mại lớn. Chính vì vậy, Chương trình nông thôn miền núi trong thời gian qua đã có sự tác động rất tích cực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cụ thể: Trong giai đoạn 2004 - 2015 tỉnh Lào Cai đã triển khai được 11 dự án. Trong đó có 09 dự án do Trung ương quản lý và 02 dự án Trung ương uỷ quyền cho địa phương quản lý. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương là 18,690 triệu đồng, ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh là 5,331 triệu đồng và huy động từ dân, doanh nghiệp… là 23,419 triệu đồng. Các dự án triển khai đã đạt mục tiêu, nội dung của Chương trình. Xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng các công nghệ như nhân giống khoai tây, xây dựng được mô hình mới về sản xuất hoa công nghiệp. Xây dựng được mô hình rau các loại theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trang trại chăn nuôi lợn ngoại tập trung…giúp cho địa phương chủ động sản xuất giống cây trồng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng,vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương, như giống Cam V2, chè Ô long, trồng cây keo để làm gỗ..; Thông qua các dự án đã đào tạo được 117 kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn kỹ thuật cho 1805 lượt nông dân, giải quyết được việc làm cho hơn một nghìn lao động tại các địa bàn dự án; làm chủ được 49 công nghệ mới; xây dựng được 39 mô hình, và đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo đầu bờ bước đầu khuyến cáo tới cộng đồng dân cư trên địa bàn. Các dự án bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, năng suất chất lượng sản phẩm của mô hình tăng lên rõ rệt (2-3 lần so với trước khi thực hiện dự án). Chỉ thông qua 11 dự án đã huy động được hơn 23 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp, nông dân… nhằm đạt được mục tiêu và nội dung đặt ra. Các dự án thuộc chương trình đã giúp cho tỉnh tiếp nhận, làm chủ được công nghệ để giải quyết các vấn đề: chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa vào sử dụng các giống cây trồng có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập trên diện tích hiện có của tỉnh, phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh như cây công nghiệp, trồng và bảo vệ rừng; bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.
Được sự quan tâm và tạo điều kiện của Bộ KH&CN, Văn phòng chương trình NTMN, các Vụ của Bộ KH&CN, công tác chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Lào Cai trong việc thực hiện các dự án thuộc chương trình NTMN trên địa bàn Lào Cai trong thời gian qua. Nhìn chung các dự án đã đạt được những mục tiêu, nội dung và tiến độ đặt ra, sản phẩm trong các dự án đều có triển vọng tốt, hứa hẹn khả năng mở rộng cao, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Các dự án được triển khai đều tập trung vào những hướng ưu tiên trọng điểm của tỉnh, những vùng có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn. Thông qua việc triển khai các dự án thuộc chương trình NTMN đã huy động đồng bộ các nguồn lực từ các tổ chức khoa học công nghệ, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện công tác chuyển giao khoa học và công nghệ vào địa bàn nông thôn và miền núi, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà “Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được sau khi tham gia chương trình NTMN thì trong quá trình triển khai xây dựng các mô hình dự án tỉnh Lào Cai còn gặp những khó khăn như: Trình độ quản lý của các cơ quan chủ trì thực hiện dự án còn hạn chế do đó trong quá trình thực hiện còn rất lúng túng, các bài viết báo cáo trình bày chưa được lôgic và chưa hợp lý đặc biệt gặp nhiều khó khăn trong khâu chỉ đạo, điều hành, đấu thầu thiết bị của dự án; Cơ quan chuyển giao công nghệ ở xa nơi sản xuất nên không thể chỉ đạo thường xuyên, kịp thời; Việc cấp phát kinh phí cho các dự án còn chậm nên phần nào có ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, công tác thanh quyết toán của các dự án còn rờm rà, chưa dứt điểm; Khả năng tài chính một vài dự án chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án, khó khăn nhất là việc huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập; Trong cơ chế quản lý Chương trình thì các thủ tục văn bản hành chính trong triển khai dự án còn nhiều thủ tục rườm rà, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả và hiệu quả dự án.
Chương trình NTMN thực sự đã có tác động rất lớn và tích cực đối với tỉnh Lào Cai, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo đà ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Để thực hiện chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và Miền núi” trong thời gian tới, tỉnh đã có một số đề xuất với Bộ KHCN tạo điều kiện hơn nữa cho tỉnh được tham gia thực hiện nhiều dự án, tăng cường trong việc phối hợp giữa cơ quan quản lý Trung ương và cơ quan quản lý địa phương, nhất là trong công tác kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện dự án. Cần có quy định linh động hơn trong quản lý quá trình thực hiện dự án, đơn giản hóa các thủ tục. Cho phép có sự thay đổi hợp lý về nội dung dự án theo yêu cầu thực tế ở từng giai đoạn thực hiện./.