Lào Cai 23° - 26°
Triển vọng nghề nuôi cá hồi vân tại Lào Cai

                                                                                                                Tại Việt  Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Thuỷ sản (nay sáp nhập vào Bộ nông nghiệp &PTNT) , nỗ lực đầu tiên để đưa cá hồi vân vào nuôi ở Việt Nam đã thành công với sự tài trợ của Sứ quán Phần Lan, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I là cơ quan thực hiện dự án này.

Năm 2004, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I đã triển khai thực hiện dự án “Nhập công nghệ sản xuất giống cá Hồi vân” tại khu vực thác Bạc – Sa Pa tỉnh Lào Cai. Trung tâm nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh Sa Pa nằm ở độ cao hơn 1.700m cách thị trấn Sa Pa 12 km. Điều kiện khí hậu ở đây có thể xuống tới 00c vào mùa đông, nhưng vào mùa hè nước trong các suối có thể lên tới 20oc, nước cấp cho Trung tâm được lấy một phần từ thác Bạc và suối nhỏ gần kề. Tốc độ dòng chảy khoảng 30l/s trong mùa khô và trên 120l/s trong mùa mưa. Các điều kiện của Trung tâm nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh Sa pa  rất phù hợp cho việc ấp trứng vào mùa đông, ương và nuôi cá thịt vào các thời gian còn lại trong năm. Cá Hồi vân là loài cá ưa nước lạnh (nhiệt độ không quá 22oc) giầu oxy hoà tan (trên 7mg/l), PH trung tính (6,7-7,5), vì thế cá Hồi thích hợp nuôi ở những vùng núi nhiều suối và khí hậu mát. Kết quả, năm 2005 nhập 50.000 trứng cá Hồi vân đã thụ tinh đưa vào Trung tâm để cho ấp thử nghiệm, tỷ lệ nở trung bình đạt 95%, ở giai đoạn nuôi ươm giống, cá sinh trưởng và phát triển tốt, sau hơn 4 tháng cá giống đạt trọng lượng trung bình 22g/con. Các cán bộ Viện nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản I đã cho sinh sản nhân tạo loài cá này thành công và nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình nuôi cá Hồi vân tại Lào Cai. Trong tự nhiên, cá ăn các động vật không xương sống như côn trùng nước, giáp xác và cá nhỏ. Cá sử dụng tốt thức ăn nhân tạo, trong điều kiện được chăm sóc tốt thức ăn có hàm lượng Protein cao (35-45%), cá có thể đạt trọng lượng 2 kg trong thời gian 18 tháng. Cỡ thương mại của cá Hồi vân trong điều kiện nuôi của Việt Nam thường từ 1,0 – 1,8 kg/con với thời gian nuôi từ 8 – 15 tháng tuỳ thuộc vào điều kiện nuôi cụ thể của mỗi vùng, hệ số thức ăn khoảng 1,2 – 1,5 mức tăng trưởng của cá Hồi vân phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ, lượng nước cung cấp và chế độ cho ăn, chất lượng thức ăn sử dụng. Để đánh giá khả năng thích nghi của giống cá này, khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, góp phần đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp; tạo nghề mới có giá trị kinh tế cao, ổn định nâng cao đời sống kinh tế - xã hội trong khu vực. Năm 2009- 2010 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai đã trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt cho triển khai thực hiện 2 dự án nuôi khảo nghiệm giống cá Hồi vân tại khu vực xã Nậm Xé huyện Văn Bàn và khu vực núi Xẻ huyện Sa Pa:  Dự án “Ứng dụng nuôi cá hồi tại xã Nậm Xé huyện Văn Bàn” do Trạm Kiểm lâm Nậm Xé - hạt Kiểm lâm Văn Bàn là chủ dự án. Địa điểm thực hiện tại khu vực đèo Khau Co thuộc xã Nậm Xé huyện Văn Bàn, cách trung tâm huyện 46 km, cách thị trấn Than Uyên tỉnh Lai Châu khoảng 20 km. Là khu vực có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, nằm trong dãy Hoàng Liên, có khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình mùa hè từ 18 – 27oC, mùa đông từ 9 – 18oC, có lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 700 – 1.200 mm. Tại đây đã xây dựng hệ thống bể nuôi gồm 5 ô có tổng diện tích 350 m2, độ sâu từ 1,2 – 1,5 m được xây dựng kiên cố (bờ bằng bê tông + đá hộc kè phía ngoài ), ngoài ra còn thành lập một nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn uống cho khách ngay tại trang trại. Nguồn nước để cấp cho bể nuôi được lấy từ nước suối không bị ô nhiễm qua hệ thống ống dẫn và bể lọc chắn rác,  chi phí đầu tư cơ sở vật chất khoảng 60 triệu đồng.Trang trại đã nhập giống cá Hồi vân của Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh Sa Pa cỡ cá 15-20g/con thành 3 đợt: đợt 1 tháng 9/2009 nhập 3.500 con, đợt 2 tháng 11/2009 nhập 3.500 con, đợt 3 tháng 5/2010 nhập 3.000 con giá bán 12.000 đ/con. Thức ăn sử dụng thức ăn công nghiệp nhập ngoại (protein: 40-46%) nhượng bán của Trung tâm, hệ số thức ăn 1,3-1,4. muối cũng được cung cấp lấy định kỳ vào bể để cung cấp các Ion kim loại cần thiết, nhất là vào những ngày nắng gắt, sau mỗi đợt mưa nước đục bổ xung thêm nước muối loãng . Tuy nhiên do chưa thành thạo kỹ thuật nuôi, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật chưa cao như nguồn điện, hệ thống cấp thoát nước, thiết bị máy sục oxy... Cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt đầu năm khô hạn nắng nóng kéo dài, lượng nước suối giảm 50% so với cùng kỳ, có những ngày kèm theo gió lào nhiệt độ nước đã vượt ngưỡng 21oc. Do đó lượng cá nhập đợt 1 hao hụt khoảng 50% đợt 2,3 hao hụt khoảng 35 - 40%.

Kết quả nuôi thử nghiệm cá Hồi vân tại xã Nậm Xé huyện Văn Bàn cho thấy cá đạt tốc độ tăng trưởng nhanh sau 9-10 tháng nuôi trọng lượng bình quân đạt 0,9 kg/con, chất lượng thịt không thua kém cá nuôi ở Sa Pa – Lào Cai. Qua một năm thực hiện dự án sản phẩm thu được gần 3 tấn cá thương phẩm giá bán 150.000 đ/kg (hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ); lượng cá trong ao còn khoảng 2.000 con chưa đến kỳ thu hoạch. Lợi nhuận sau một năm thực hiện dự án ước đạt 100 triệu đồng. Nếu có nguồn nước tốt, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, con giống và nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng thì năng suất cá có thể đạt 30-35 tấn/ha, lợi nhuận đạt 30-35 % từ vốn.

* Dự án “Khảo nghiệm nuôi cá hồi vân nước lạnh tại khu vực núi Xẻ huyện Sa Pa” do trạm Kiểm lâm núi Xẻ là chủ dự án. Địa điểm thực hiện tại khu vực núi Xẻ, nằm trên độ cao 1650 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 10-25oC, lượng mưa trung bình 1500-2000mm. Quy mô dự án là 300 m3(chia làm 2 giai đoạn) với số lượng giống thả là 5.500 con; được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo đủ lượng nước, lưu lượng dòng chảy, thức ăn được nhập khẩu từ Pháp đảm bảo chất lượng. Kết quả đánh giá tỷ lệ sống đạt 90%, hiện đàn cá đang sinh trưởng và phát triển tốt. 

Cá Hồi vân là một sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng vì thịt cá ngon. Thành phần dinh dưỡng chính trong 100g thịt cá gồm 30,2g chất rắn, 17,5g protein, 10,2g chất béo, 0,1g đường, ngoài ra còn chứa nhiều axít béo Omega-3, a xít này dễ hoà tan vi ta min A,D. Giá các sản phẩm chế biến như cá hun khói, cá hộp, ruốc, trứng... hoặc gắn sản phẩm với du lịch sinh thái thì còn cao hơn nhiều so với cá bán tươi. Tuy nhiên cá Hồi vân là đối tượng nuôi mới, công nghệ nuôi và địa bàn mới nên việc nhân rộng và phát triển giống cá này trên địa bàn tỉnh còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu để có giải pháp thích hợp:

+ Nguồn thức ăn phải nhập ngoại, do đó cần có chính sách ổn định về nguồn thức ăn và con giống để hạ giá thành sản phẩm;

+ Cần điều tra khảo sát kỹ trước khi đầu tư nuôi trồng, có quy hoạch đối tượng cá nước lạnh tại Lào Cai;

+ Xúc tiến việc giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, phát triển công nghệ chế biến, gắn với du lịch sinh thái nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn;

+ Chú trọng vấn đề đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái v.v....

Lào Cai có đặc điểm địa hình tự nhiên tương đối phức tạp, phần lớn diện tích có độ cao từ 300-1000m; địa hình đồi núi chia cắt mạnh, độ dốc lớn trên 25o chiếm 84% diện tích toàn tỉnh. Vùng núi có độ cao trên 700m trở lên, được chia thành hai dãy núi lớn Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi. Dãy Hoàng Liên Sơn có nhiều đỉnh cao như đỉnh Phan Si Păng (nóc nhà Đông Dương) cao 3.143m, đỉnh Tả Giàng Phình cao 3.090m so với mặt nước biển. Lào Cai nằm chính giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc có trục đường bộ xuyên Á đi qua và đường sắt nối vùng Tây Nam Trung Quốc với Hà Nội, Hải Phòng rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá và cung cấp dịch vụ... Lợi thế trên đã tạo cho tỉnh trở thành hạt nhân của nền kinh tế vùng Tây Bắc có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng và cả nước. Lào Cai có thể sản xuất hàng hoá và cung cấp các dịch vụ của tỉnh có thế mạnh như nông, lâm, thuỷ sản, cây công nghiệp, vật liệu xây dựng, khoáng sản, du lịch ...

  Có thể nói việc đưa cá Hồi vân vào nuôi trồng là một thành công lớn của ngành thuỷ sản, giúp khai thác nguồn nước lạnh sẵn có ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao tạo ra một sản phẩm đặc thù có giá trị cao. Phát huy lợi thế về tài nguyên, điều kiện tự nhiên, sinh thái, khu hệ thuỷ sản đặc hữu, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển thuỷ sản tạo sản phẩm hàng hoá. Hy vọng với chủ trương đúng, sự quyết tâm của các cấp, các ngành, nhà khoa học và sự mạnh dạn đầu tư của doanh nghiệp, cơ sở, nghề nuôi cá Hồi của tỉnh sẽ có những bước tiến mới, phát triển mạnh, vững chắc trong thời gian tới./.

55;#Vũ Thị Hợi

Tin nổi bật
Hoạt động chuyên ngành
Thông tin - Báo cáo
Văn bản chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập