Chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng A Ngán thôn Kim Thành 2 xã Quang Kim và thực sự bất ngờ trước mô hình chăn nuôi mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm của gia đình anh. Là mô hình được nhiều người đến tham quan học tập
Trong những năm qua trên địa bàn xã Quang Kim việc phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, cũng trong đà đó gia đình anh Giàng A Ngán cũng đã mạnh dạn đầu tư cho mô hình kinh tế của gia đình nhà mình. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng A Ngán là một mô hình kinh tế trang trại tổng hợp khá quy mô, có ao, có chuồng trại rộng dãi, vườn cây ăn quả, một căn nhà khang trang rộng dãi. Đây là thành quả bao năm tháng cố gắng lao động sản xuất của gia đình mà không phải hộ dân nào cũng có thể làm được.
Anh chia sẻ: Ban đầu bước vào làm trang trại gia đình anh gặp không ít những khó khăn, do kinh nghiệm còn ít, thiếu vốn, kỹ thuật… nên cũng đã không ít lần anh chị bị thua lỗ trong chăn nuôi, nhưng với quyết tâm vấp ngã từ đâu anh đứng lên từ đó. Anh bắt đầu tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo, bạn bè và các buổi tập huấn do thôn xã tổ chức dần dần anh tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Tận dụng nguồn lao động sẵn có của gia đình anh vận động các thành viên trong gia đình tập trung cải tạo diện tích đất hoang xây dựng chuồng trại trồng cây ăn quả như: vải, nhãn, xoài… Trồng cỏ voi để chăn nuôi thêm trên 30 con Dê. Đây là con vật nuôi mới trên địa bàn xã anh nhận thấy Dê vừa dễ nuôi lại ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ khá rộng nên đã đem nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh mỗi năm.
Xa xa khu nhà ở một hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn được bố trí hợp lý nơi nuôi lợn thương phẩm, nuôi lợn nái, lợn con. Học tập kinh nghiệm chăn nuôi từ các mô hình chăn nuôi lợn của địa phương và các địa phương khác gia đình anh áp dụng chăn nuôi với số lượng lớn, trong chuồng của gia đình anh lúc nào cũng có từ 10 -12 con lợn nái, trên 20 con lợn thịt thương phẩm và trên 60 con lợn con. Khá thuận lợi khi gia đình tự nuôi lợn nái sinh sản ra lợn con để gia đình chăn nuôi sẽ không tốn chi phí khâu con giống, không những vậy còn có thể bán con giống cho bà con trong thôn, trong xã. Với số lượng đàn nhiều gia đình anh nuôi theo cả 2 hình thức cho ăn cám thẳng và nấu cám chín cho các đàn lợn, anh chị thường xuyên theo dõi tình trạng của đàn lợn để có biện pháp can thiệp kịp thời khi có dịch bệnh không may xảy ra, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các liều cho đàn lợn đảm bảo đúng độ tuổi liều lượng, xây dựng hệ thống ỗng dẫn chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, tận dụng phân xây bể bioga, vệ sinh chuồng trại thường ngày cũng là biện pháp tốt để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ đó đàn lợn của gia đình anh luôn phát triển ổn định hạn chế được dịch bệnh xảy ra.
Tận dụng diện tích đất đai và có sẵn nguồn nước gia đình anh đã đầu tư đào ao nuôi cá. Đây cũng là mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình của xã Quang Kim. Để tích lũy thêm kinh nghiệm trong nuôi cá anh thường xuyên đến tham quan học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi cá trên địa bàn xã, ngoài ra anh còn tích cực tìm hiểu qua các kênh thông tin đại chúng để làm vốn kiến thức cho bản thân. Những vụ cá đầu anh chỉ dám nuôi ít, gồm các giống: các chép, cá rô, cá mè… mỗi giống cá nuôi một ít và nuôi theo lối nuôi truyền thống do đó năng xuất đạt không cao, mỗi năm chỉ cho thu hoạch một lứa. Qua tìm hiểu ở các mô hình khác, anh đã mạnh dạn đầu tư máy móc: máy xục nước, máy cho cá ăn và bắt đầu chuyển nuôi cá thương phẩm, anh cho biết vốn bỏ ra nhiều hơn, đòi hỏi mình phải giành nhiều thời gian hơn, những hiệu quả thu về cũng tương xứng không bập bõm như lúc nuôi truyền thống anh đã tìm hiểu thị trường và nhận thấy nuôi cá rô phi là phù hợp nhất do đó ao cá nhà anh chủ yếu là cá rô phi, nhờ chăm sóc tốt nên ao cá của gia đình anh luôn phát triển tốt không bị dịch bệnh. Từ khi chuyển sang nuôi cá thương phẩm mỗi năm gia đình anh suất ra thị trường trên 10 tấn cá rô phi, chưa kể các loại các khác, trừ tri phí cũng thu được vài trăm triệu, do nuôi thương phẩm số lượng nhiều nên lái thương đến cân cá tại ao nhà, không phải mất công đi ngồi bán như trước, rất tiện lợi.
Liền kề khu ao nuôi thả cá là dải gần 4ha rừng cây mỡ, cây quế xanh mướt đang gần đến ngày cho thu hoạch, ngoài ra gia đình anh còn chăn nuôi thêm rất nhiều gà, ngan với hàng trăm con. Rừng cây sắn, ngô, lúa của gia đình đều đưa giống mới có năng xuất chất lượng cao vào sản xuất, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật do đó cho năng xuất chất lượng cao. Để thuận tiện cho chăn nuôi, gia đình anh đầu tư thêm máy xay, máy nghiền để phục vụ cho gia đình. Hiện nay trang trại gia đình anh đã đi vào hoạt động ổn định mỗi năm trừ chi phí gia đình anh cũng thu về trên 500 triệu đồng và mô hình kinh tế của gia đình anh đã được chọn là mô hình điểm của xã. Với tốc độ phát triển như hiện nay trong thời gian tới gia đình anh có kế hoạch mở rộng thêm diện tích để phát triển chăn nuôi.
Hiện nay gia đình anh đã xây dựng được căn nhà khang trang kiên cố, với đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt thường ngày của gia đình. Các con anh đều được học hành đến nơi đến trốn, ngoan ngoãn biết phụ giúp công việc đỡ đần trong gia đình, hàng năm gia đình anh đều đạt gia đình văn hóa.
Với lòng quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, gia đình anh Giàng A Ngán thôn Kim Thành 2 xã Quang Kim thực sự là một điển hình trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, cần được quan tâm để nhân rộng để giúp người nông dân xoá đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu./.
189;#Bùi Văn Hồng