Trong bối cảnh chuyển đổi số đang là trọng tâm của các chính sách phát triển quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành quyết định số 405/QĐ-BKHCN phê duyệt Đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia". Bộ chỉ số DTI năm 2025 được đánh giá là “tinh gọn” và “khả thi” hơn so với các năm trước đây.
Sau khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia được ban hành từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông – nay là Bộ Khoa học và Công nghệ – đã định kỳ tổ chức đánh giá chỉ số chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ chỉ số DTI năm 2025 được xây dựng hướng tới việc đo lường hiệu quả chuyển đổi số một cách thực chất, khách quan và công bằng. Bên cạnh đó, chỉ số này cũng giúp các đơn vị nhận diện những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần cải thiện, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp để hoàn thành mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một trong những thay đổi lớn nhất của Bộ chỉ số DTI 2025 là việc rút gọn số lượng chỉ số đánh giá trên tất cả các cấp.
DTI cấp quốc gia: Số lượng chỉ số giảm từ 24 xuống còn 12, được phân chia rõ ràng theo 3 trụ cột chính. Cụ thể: Chính phủ số gồm 4 chỉ số (chiếm 40% tổng điểm), Kinh tế số gồm 3 chỉ số (30% điểm) và Xã hội số gồm 5 chỉ số (30% điểm).
DTI cấp bộ, cơ quan ngang bộ: Số lượng chỉ số thành phần giảm mạnh từ 70 chỉ số xuống còn 31 chỉ số, giúp đơn giản hóa quy trình đánh giá và tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi.
DTI cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Số chỉ số thành phần cũng được giảm từ 98 xuống còn 47 chỉ số.
Ngoài ra Bộ chỉ số DTI 2025 đánh dấu bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ tự động: 40% điểm của DTI cấp bộ hiện được đo lường tự động thông qua hệ thống hoặc dựa trên số liệu do các cơ quan quản lý cung cấp (những năm trước chỉ 15%). Đối với DTI cấp tỉnh, tỷ lệ điểm đo tự động đã được nâng lên 38% từ mức 10% ban đầu. Những cải tiến này không chỉ giảm thiểu sai sót do nhập liệu thủ công mà còn đảm bảo số liệu được cập nhật theo thời gian thực, từ đó cho phép đánh giá chính xác và kịp thời hơn.
Để đảm bảo tính minh bạch và khách quan, quyết định cũng nêu yêu cầu bộ chỉ số DTI phải có tính nhất quán về chu kỳ đánh giá và dữ liệu, số liệu để phục vụ đánh giá. Tăng cường thu thập dữ liệu sẵn có từ các nền tảng do cơ quan nhà nước quản lý để phục vụ đánh giá; Phải có tính mở và được cập nhật, phát triển phù hợp với thực tiễn; Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất, cập nhật liên tục về kết quả DTI của tất cả các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Sử dụng hệ thống phần mềm hỗ trợ thu thập và tính toán DTI để phục vụ cho việc tính toán, cập nhật DTI.
Trang chủ Cổng thông tin đánh giá chuyển đổi số https://dti.gov.vn
Theo kế hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tổ chức đánh giá DTI hàng năm. Kết quả đánh giá và xếp hạng sẽ được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN tại địa chỉ mst.gov.vn và Cổng thông tin đánh giá chuyển đổi số tại dti.gov.vn.
Việc công bố kết quả này không chỉ giúp các đơn vị nắm rõ vị thế của mình trong quá trình chuyển đổi số mà còn tạo động lực cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các bộ, ngành và địa phương học hỏi, nhân rộng những thực tiễn tốt. Qua từng đợt đánh giá hàng năm, hệ thống DTI sẽ trở thành thước đo khách quan giúp các bộ, ngành và địa phương nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ công và hiện đại hóa hoạt động quản lý, góp phần xây dựng một nền kinh tế số năng động, bền vững và phát triển.