Lào Cai 25° - 26°
Nuôi chim Bồ câu Pháp - Một hướng đi có nhiều triển vọng

Chim bồ câu là loài vật dễ nuôi, hiền lành và thân thiện với con người nuôi, thường được nuôi ở nông thôn và một số nơi ở thành thị. Bồ câu được nuôi theo 3 hướng là: Nuôi lấy thịt, nuôi làm cảnh và nuôi để đưa thư. Thịt bồ câu non mịn, vị tươi ngon, có đặc điểm hàm lượng protein cao, lipit và cholesterol thấp, đồng thời trong thịt chim bồ câu còn có vitamin A, B1, B2, E và nhiều nguyên tố vi lượng là thành phần tạo máu, do vậy giá trị dinh dưỡng trong thịt bồ câu cao hơn thịt gà, cá, thịt bò... Dân gian hay nói "một con bồ câu hơn chín con gà" vì tác dụng bổ dưỡng của nó.

 

 Bồ câu Pháp được Nuôi quần thể tại Lào Cai

Lâu nay, bồ câu là loài chim thường được mọi người nuôi chủ yếu để làm cảnh cho vui, còn nuôi bồ câu để làm kinh tế thì hẳn là nhiều người còn chưa nghĩ tới mặt khác việc nuôi chim bồ câu thả tự do kém hiệu quả, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, có khi thua lỗ, nhiều nơi có nguy cơ đàn chim không thể tồn tại được vì tình trạng lây lan dịch bệnh. Vì thế phương pháp nuôi nhốt chuồng rất đảm bảo, khả năng lây bệnh rất thấp, đến nay chưa gặp trường hợp dịch bệnh lớn xảy ra.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt chim bồ câu rất lớn, không đủ số lượng cung cấp cho thị trường, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã thành công từ dự án “Nuôi thử nghiệm giống chim Bồ câu pháp”, đã chuyển giao công nghệ và triển khai nhân rộng như: Trung tâm nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương, Trung tâm giống Chim Bồ câu Pháp Tây Nguyên, Trại bồ câu Sáng Tạo (Bắc Giang) có 350 cặp bồ câu bố mẹ sinh sản và 100 cặp bồ câu giống hậu bị sinh sản để phục vụ nhu cầu con giống, thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng, gia đình chị Thanh (Quảng Ngãi) có trên  200 cặp chim sinh sản, thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, gia đình anh Hoặc (Bến Tre) có hơn 200 cặp chim bồ câu sinh sản và 200 cặp chim bồ câu nuôi để bán, thu nhập bình quân 35-50 triệu đồng/năm, ngoài ra còn có rất nhiều tỉnh đã thành công từ mô hình này như: Đồng Nai, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Ninh....

 

 

 Chim bồ câu Pháp được nuôi cá thể tại Lào Cai

 

Giống chim bồ câu Pháp (VN1) là giống chuyên thịt nổi tiếng, có những đặc điểm ưu việt như: khỏe mạnh, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi, có thể đẻ 8-9 lứa/năm, khối lượng chim ra giàng (28 ngày tuổi) đạt 530-580g/con (loại siêu thịt có thể nặng từ 1,2 kg trở lên) và giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nư­ớc ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.     

Nuôi bồ câu không khó, đặc tính của chim bồ câu là loài động vật hoang dã, chỉ cần một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ (mỗi ngày thường cho ăn 2 lần sáng từ 8-9h - chiều từ 15-16h), nguồn nước uống sạch sẽ, là có thể nuôi được.        

Thiết kế theo hệ thống chuồng tầng, phân thành nhiều lô trên diện tích 80m2. Mật độ nuôi 8 con/m2. Chung quanh chuồng vây bọc hoàn toàn bằng lưới thép, khung bằng thép chống gỉ, mỗi lô đều có cửa mở khóa cẩn thận, mèo chuột. Hàng ngày, cho chim ăn hai lần bằng lúa, gạo, ngô, thỉnh thoảng cho ăn thêm ăn bổ sung như khoáng, muối, vitamin, sỏi....,để đủ chất cho chim sinh sản tốt. Từ 7 - 10 làm vệ sinh chuồng trại một lần.

Rõ ràng, nuôi chim bồ câu theo quy mô chuồng trại kiên cố, ứng dụng tốt các kiến thức khoa học kỹ thuật đã mang lại hiệu quả kinh tế, cho năng suất cao hơn nhiều đối tượng nuôi khác.  

Nếu ta định nuôi chim bồ câu thì việc chọn giống là khâu quan trọng nhất. Phải chọn con khoẻ mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi... và nên mua loại từ 4-5 tháng tuổi trở lên vì lúc bồ câu còn non, ta rất khó phân biệt được trống, mái. Tới lúc trưởng thành, ta có thể xác định được giới tính của nó: Con trống có đầu thô, to xác hơn, có phản xạ gù con mái và khoảng cách giữa hai xương chậu hẹp hơn. Còn con mái thì ngược lại, đầu nhỏ và thanh, thân mảnh mai hơn và khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng hơn. Ta có thể chăn thả tự nhiên trong một không gian phù hợp với mật độ nuôi (6-8 con/m2) hoặc tổ chức nuôi nhốt theo phương pháp bán công nghiệp, kích thước của một ô chuồng (Chiều cao: 40cm, chiều dài 60cm và chiều rộng: 50cm).

Nơi nuôi chim phải để ở độ cao vừa phải, có ánh nắng mặt trời, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh, tránh được gió lùa và mưa, tránh được mèo, chuột... Phải có máng ăn, máng uống riêng. Thức ăn phải sạch và đủ cả về chất và lượng. Phải chăm sóc và nuôi dưỡng chim kết hợp với phòng và trị bệnh cho nó.

Bồ câu Pháp dễ thích nghi với môi trường nông thôn, ai cũng có thể nuôi được, hiệu quả kinh tế cao, thị trưởng tiêu thụ lớn. Phân của bồ câu còn được tận dụng bón cho cây trồng rất hiệu quả. Hy vọng, thời gian tới mô hình nuôi chim bồ câu theo phương pháp nhốt chuồng sẽ được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhằm giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giúp bà con nông dân có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế, đồng thời tạo nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng cho xã hội.

Để giúp bà con dễ dàng liên hệ tìm hiểu và mua giống, xin giới thiệu một số địa chỉ bán giống chim Bồ câu Pháp có uy tín:

1. Trung tâm nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) - Xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Điện thoại 04.8389773

2. Trung tâm giống Chim Bồ câu Pháp Tây Nguyên - số 15/1 Nguyễn Trung Trực, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Điện thoại:  01239208246

3. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, bà con muốn được tư vấn và mua giống Bồ câu Pháp cung cấp tận nơi xin liên hệ với anh Mai Văn Sơn (Sđt: 0915454779)

Email: mvson-skhcn@laocai.gov.vn

Tin nổi bật
Hoạt động chuyên ngành
Thông tin - Báo cáo
Văn bản chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập