Lào Cai 25° - 27°
Nuôi cá lồng – Một mô hình mới của nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Lào Cai
Nuôi cá nước chảy là một hình thức nuôi được vận dụng cả hai phương pháp sinh lý, sinh thái và là hình thức nuôi cá có thay nước để nâng cao năng suất nuôi trồng. Ở nước ta hình thức nuôi cá nước chảy chủ yếu là nuôi trong lồng.

           Nghề nuôi cá lồng đã được phát triển từ lâu ở nhiều tỉnh, song với Lào Cai nuôi cá lồng còn tương đối mới mẻ và nhỏ lẻ, mới chỉ tập trung ở một số địa phương, với hình thức nuôi cá trắm cỏ trên hồ tại huyện Bảo Yên; nuôi cá Chiên và cá lăng trên sông Hồng tại huyện Bảo Thắng và mới đây tại huyện Bắc Hà đã triển khai mô hình thí điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện xã Cốc Ly.

  Nuôi cá lồng có những ưu điểm sau:

- Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên để nuôi cá mà không ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

- Do thay nước thường xuyên được thay đổi nên có thể nuôi cá ở mật độ cao. Đồng thời, môi trường nuôi cá sạch, không bị ô nhiễm bởi các chất thải của cá nên cá lớn nhanh.

- Hao hụt ít, hạn chế được dịch hại, chăm sóc, quản lý, thu hoạch thuận lợi. Năng suất cao, chu kỳ sản xuất ngắn.

Để nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Chọn vị trí đặt lồng:

            - Nguồn nước trong sạch; Nước sâu, biến động mức nước trong ngày thấp; gần nhà để tiện cho việc chăm sóc; Không đặt lồng ở nơi nước cạn, nước không chảy hoặc nước chảy quá mạnh, nơi tàu bè thường xuyên qua lại; Nước thải của các nhà máy hoá chất.

            - Lồng cá được đặt ở những nơi có lưu tốc từ 0,3 – 0,5m/s, tốt nhất là những nơi có dòng chảy 0,3m/s. Nếu lớn hơn thì lồng phải chịu một sung lực lớn của nước khiến lồng mau hỏng hoặc làm cá mất nhiều năng lượng do phải ngược nước dẫn đến cá lười ăn và chậm lớn. Nhiệt độ nước biến thiên trong khoảng 18 – 260C. Độ trong từ 1 – 1,5m (vào mùa khô), pH từ 7 – 7,5. Chọn nơi có độ sâu vừa phải 2,5 – 3,5m, đáy lồng phải đặt cách đáy sông, suối ít nhất là 0,5m

2. Lồng nuôi cá:

            Hình dạng: Lồng nuôi cá có nhiều hình dạng khác nhau nhưng tốt nhất là thiết kế theo hình hộp chữ nhật.

            Kích thước: Tùy địa hình và vị trí đặt lồng mà thiết kế lồng lớn hay nhỏ, loại nhỏ có kích thước 2x1x1m; loại trung bình 4x2x1,5m; loại lớn có kích thước 6x2, 2x1,5m.

            Nguyên liệu làm lồng: Tuỳ theo điều kiện đầu tư của từng hộ gia đình, có thể làm lồng bằng gỗ, bằng tre, hoặc bằng sắt thép.

            Nếu làm bằng gỗ/tre thì khung lồng dùng loại gỗ tròn, đường kính 8 – 10cm hoặc làm bằng khung tre, đường kính 6 – 8cm. Cả 6 mặt của lồng đều làm bằng nan gỗ hoặc nan tre. Trên khung lồng cứ cách 40cm có đóng một thanh gỗ rộng 6 -7cm làm nẹp để đỡ nan.

           Mặt trên của lồng dùng nan tre đóng chặt lên khung, bề rộng của nan rộng từ 4 – 5cm, khoảng cách giữa các nan tre từ 1 – 2cm, phía cuối dòng chảy có để một ô trống, có kích thước 0,5 x 0,6m để làm cửa lồng, cửa lồng có nắp đóng, mở được dễ dàng để thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý và thu hoạch cá.

            Đáy lồng dùng nan tre đóng khít lại với nhau. Bốn mặt bên của lồng dùng nan tre đóng theo chiều thẳng đứng ở phía ngoài khung khoảng cách giữa các nan từ 1 – 2cm để cá giống không thể thoát ra ngoài.

            Phao nổi: Lồng được cố định vào phao nổi, phao nổi có thể dùng thùng phi, thùng nhựa hoặc bằng cây tre, vầu, nứa.

            Trong thực tế nhiều lồng có thể ghép với nhau để tạo thành bè. Phao nổi được buộc dọc hai bên lồng. Lồng được cố định bằng hệ thống dây neo, buộc chặt vào cây to hoặc cọc to đóng chắc trên bờ

3. Giống cá thả:

Hiện nay cá trắm cỏ là đối tượng nuôi chủ yếu, ngoài ra còn ghép thêm 10 % cá chép. Cỡ cá 18 – 20 cm, trọng lượng từ 150g/con trở lên. Cá phải khoẻ mạnh, không bị xây sát, trong một lồng cỡ cá phải đều nhau.

Mật độ cá thả: Tuỳ theo cỡ cá giống to hay nhỏ, khả năng cung cấp thức ăn nhiều hay ít và môi trường nuôi trồng ta có thể thả theo mật độ sau:

Cỡ cá 120-150gam/con mật độ thả từ  80 – 120 con/m3

Cỡ cá 200 – 300g/con mật độ thả từ 70 – 80 con/m3

Cỡ cá 400 – 600g/con mật độ thả 50 – 60 con/m3

Không nên thả cá quá nhỏ vì tỷ lệ hao hụt lớn, cũng không nên thả cá quá lớn vì hiệu quả kinh tế thấp.

4. Thời gian thả:

            Tốt nhất là thả sau mùa mưa lũ. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc thả cá vào tháng 9, 10, 11 và thu hoạch vào tháng 5, 6, 7 năm sau. Nếu không chuẩn bị đủ giống hoặc giống không đủ tiêu chuẩn thì thả vào tháng 2, tháng 3 năm sau.

5. Chăm sóc quản lý

            Hàng ngày phải thường xuyên cho cá ăn, ở giai đoạn đầu khi cá còn nhỏ phải cho cá ăn thức ăn tinh bao gồm cám gạo, cám ngô, các loại bột bã đậu…lượng thức ăn tinh bằng 50% khối lượng thức ăn chung. Thức ăn xanh bao gồm các loại cỏ, rong, lá sắn…, ngày cho ăn từ 2 – 3 lần. Trước mỗi lần cho ăn phải vệ sinh lồng, vớt hết rong, cỏ, lá còn thừa trong lồng.

            Trong qua trình nuôi không nên khuấy động nhiều làm cho cá sợ, vượt nhảy làm xây sát, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá.

            Suốt thời gian nuôi dưỡng phải theo dõi thường xuyên, kiểm tra hoạt động của cá, tốc độ sinh trưởng của cá, mức nước lên xuống mỗi ngày, những ngày thời tiết thay đổi đột ngột phải kiểm tra nan lồng, dây buộc để thay thế, sửa chữa ngay những chỗ sắp hư hỏng.

6. Thu hoạch cá thịt

            Có thể nuôi cá từ 8 đến 10 tháng, hoặc 6 đến 10 tháng tuỳ theo cỡ cá, thời gian thả giống và điều kiện của từng hộ gia đình. Nên thu hoạch cá trước mùa mưa lũ làm một hoặc nhiều lần./.

55;#Vũ Thị Hợi

Tin nổi bật
Hoạt động chuyên ngành
Thông tin - Báo cáo
Văn bản chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập