Triển khai nhiệm vụ Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; ngày 25/03/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam phiên bản 4.0.
Khung Kiến trúc giúp thúc hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam từ Trung ương đến các địa phương; tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng chung các tài nguyên công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư công nghệ thông tin; hướng tới triển khai Chính phủ số đồng bộ, lộ trình phù hợp, hạn chế trùng lặp; chuẩn hóa, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong triển khai Chính phủ số.
So với phiên bản 3.0, Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam phiên bản 4.0 có nhiều điểm cải tiến quan trọng. Về nội dung khung kiến trúc, phiên bản này cập nhật sơ đồ khái quát Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam và mô tả các thành phần; rà soát, sửa đổi, cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0 phù hợp với Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15; sửa đổi, cập nhật mô tả các thành phần của sơ đồ khái quát Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ.
Sơ đồ khái quát Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam phiên bản 4.0
Khung Kiến trúc cập nhật các mô hình tham chiếu, bao gồm: Mô hình tham chiếu nghiệp vụ (BRM); Mô hình tham chiếu dữ liệu (DRM); Mô hình tham chiếu Ứng dụng (ARM); Mô hình tham chiếu Công nghệ (TRM); Mô hình tham chiếu An toàn thông tin (SRM).
Bộ Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn cụ thể các bộ, ngành, địa phương về những nội dung cơ bản trong khung kiến trúc số cấp bộ, khung kiến trúc số cấp tỉnh; nguyên tắc cơ bản trong xây dựng khung kiến trúc số.
Việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam phiên bản 4.0 là một bước đi quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phiên bản này không chỉ giúp các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu quả công tác quản lý mà còn bảo đảm an toàn thông tin, đồng thời thúc đẩy việc chia sẻ và sử dụng tài nguyên công nghệ một cách tối ưu. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cơ quan nhà nước, các tổ chức và người dân cùng tham gia vào tiến trình xây dựng Chính phủ số, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.