Lào Cai 23° - 24°
Chuyển đổi số góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
anh tin bai

Hướng dẫn tổ công nghệ số cộng đồng tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai.

Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của tổ công nghệ số cộng đồng, anh Nguyễn Trường Giang – thôn Tân Lập, xã Tân Thượng đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh vào mạng internet để liên lạc với người thân, đọc báo, giao dịch, đăng ký các thủ tục hành chính. Anh Nguyễn Trường Giang chia sẻ: “Tôi đã được tuyên truyền và trải nghiệm tiện ích của việc thực hiện thủ tục đăng ký hồ sơ giải quyết công việc qua dịch vụ công. Tôi cũng không nghĩ đến lại thuận lợi và nhanh chóng như thế. Tôi mới mua một chiếc xe máy và phải làm thủ tục đăng ký, bấm biển. Được cán bộ công an hướng dẫn, tôi đã thực hiện đăng ký tại nhà, nhập thông tin và gửi hồ sơ qua dịch vụ công. Khi đến Công an huyện, hồ sơ của tôi đã được tiếp nhận, các đồng chí công an chỉ in hồ sơ và hoàn thành trong vòng 5-7 phút. Qua tuyên truyền tôi được biết khi cài đặt ứng dụng VneID và sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ rất thuận tiện khi đi khám chữa bệnh, hoặc quên giấy tờ tùy thân như: Căn cước công dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế”.

Người dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ tiết kiệm thời gian khai báo lại các thông tin cá nhân mỗi khi đi làm thủ tục hành chính; chia sẻ thông tin cá nhân cho bên thứ ba bằng cách quét QR Code; giảm thiểu tối đa các giấy tờ cá nhân cần mang theo; thực hiện các dịch vụ công không phải đến tận nơi. Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

anh tin bai

Một buổi tập huấn hướng dẫn người dân kinh doanh sản phẩm du lịch và Homstay trên nền tảng số tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa.

Hành trình chuyển đổi số tại các bản làng vùng cao Lào Cai bắt đầu từ những lớp học công nghệ cơ bản, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử và mạng xã hội đến việc gìn giữ di sản văn hóa qua nền tảng số. Với tinh thần đổi mới và sự quyết tâm, đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang khẳng định rằng công nghệ không chỉ dành cho đô thị, mà còn có thể thắp sáng hy vọng ở những địa bàn vùng cao.

Chỉ với 2 chiếc điện thoại kết nối internet, chị Giàng Thị Vàng, tổ dân phố Phố Mới, thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai đã bán trang phục Mông cách tân do mình tự may qua sóng livestream, thay vì mang ra chợ bán như trước đây. Bán hàng livestream trên 2 nền tảng Facebook và TikTok, mỗi phiên livestream, chị bán trên 10 bộ, trung bình mỗi tháng tiêu thụ hơn 300 bộ, trong đó 70% bán ra nước ngoài và 30% trong nước. Với ưu điểm không cần thuê mặt bằng, tiết kiệm thời gian và tiếp cận đa dạng khách hàng, năm 2023, gia đình chị thu lãi hơn 300 triệu đồng từ mô hình này.

Chia sẻ với chúng tôi chị cho biết: “Ngày xưa mang ra chợ bán thì được ít lắm, bây giờ theo phong trào dùng mạng xã hội rồi, bán trên livetream thì nhiều người mua hơn. Vì vậy mà chồng mình cũng phải hỗ trợ mình cắt vải, đóng gói hàng thì mới kịp may trả cho khách. Một tháng như thời điểm cuối năm thì thu nhập cũng được tầm 40 – 50 triệu đồng tiền lãi. Thông thường làm các công việc khác có thể vợ làm ở quê, chồng xuống thành phố hoặc khu công nghiệp. Nhưng từ khi làm nghề may thì hai vợ chống mình ở nhà hỗ trợ lẫn nhau, chồng cũng có việc làm là hỗ trợ vợ cắt may, gói hàng”.

anh tin bai

Một buổi livestream bán hàng trang phục thổ cẩm có thể bán nhiều hơn so với bán tại cửa hàng, chợ.

Cũng với phương thức giới thiệu và bán hàng trên Facebook cá nhân, trung bình mỗi tháng, chị Giàng Thị Chá, thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai xuất khẩu hàng trăm bộ trang phục ra nước ngoài. Với giá bán từ 3 - 3,5 triệu đồng/bộ, chị đã tạo việc làm ổn định và thường xuyên cho nhiều chị em ở địa phương. Hiện, chị đang hoàn thiện đơn hàng 50 bộ trang phục truyền thống để gửi sang Mỹ. Nhờ sử dụng mã gửi hàng, chị dễ dàng theo dõi quá trình vận chuyển, giao hàng, và thanh toán qua điện thoại.

Xác định chuyển đổi số là cơ hội hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển nghề thổ cẩm, không chỉ tuyên truyền, vận động trên 30 gia đình chị em tham gia phát triển nghề thêu, may thổ cẩm để tạo việc làm, nâng cao thu nhập, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Si Ma Cai còn tổ chức tập huấn và hỗ trợ vốn vay nhằm thúc đẩy sản xuất và ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh.

Lợi ích từ chuyển đổi số đã đi vào nhận thức, hành động của người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị hiện đại, liên hoàn, quy trình sản xuất khép kín, tiếp cận và phát huy thương mại điện tử, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo nên những nông dân năng động, nông thôn hiện đại, trù phú, thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn.

Không chỉ hỗ trợ trong phát triển sản xuất, kinh doanh mà chương trình chuyển đổi số cũng đang là “đòn bẩy” quảng bá sản vật, đặc sản truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình du lịch sinh thái tại các xã Nghĩa Đô (huyện Văn Bàn), Tả Van (huyện Bắc Hà), Y Tý (huyện Bát Xát), Sa Pa,…. hiện nay đã được nhiều du khách biết đến. Chị Trần Thị Thúy Hằng, xã Na Hối, huyện Bắc Hà chi sẻ: “Gia đình tôi cũng có 1 đồi mận tầm 3 nghìn gốc. Trước đây thì chúng tôi thường chỉ bán quả mận thôi. Từ khi Đoàn Thanh niên thôn hướng dẫn chúng tôi lập fanpage để quảng bá, giới thiệu phong cảnh, cũng như các dịch vụ tham quan trải nghiệm, đã giúp thu hút khách đến đây ngày càng nhiều. Vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 chúng tôi đón hàng trăm lượt khách đến vui chơi, trải nghiệm, chụp ảnh check-in với hoa mận. Sau đó, đến mùa quả chín cũng có các du khách đến trải nghiệm hái mận. Trước đây mùa quả chín sẽ thu hoạch mang ra chợ bán, nhưng giờ thì chúng tôi chỉ cần ở nhà, chụp ảnh giới thiệu trên mạng xã hội sẽ có rất nhiều người đặt mua. Chúng tôi chỉ cần thu hoạch, đóng hàng sẽ có đơn vị vận chuyển đến chuyển hàng đi”.

Với chiếc điện thoại thông minh và kết nối 4G, người nông dân có thể livestream để quảng bá sản phẩm của mình đang thu hoạch; tạo điều kiện thuận tiện cho khách mua hàng nhờ mã QR Code. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy nông nghiệp hiện đại không chỉ dừng lại ở sản xuất mà còn gắn liền với tiếp cận thị trường, dịch vụ trải nghiệm và thanh toán số.

anh tin bai

Nhờ có sự giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, các địa điểm du lịch trải nghiệm được đông đảo du khách biết đến.

Mường Khương hiện đang phát triển sản xuất theo vùng hàng hóa, với hơn 800ha quýt và nhiều cây ăn quả khác như ổi, bưởi,…. Hội Phụ nữ huyện đã khuyến khích thành lập các Tổ hội phụ nữ cùng sở thích để kết nối các chị em trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các Hợp tác xã  do phụ nữ làm chủ đang ngày càng phát triển, trở thành điểm tựa trong việc liên kết các hộ sản xuất và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Mạng xã hội không chỉ là kênh bán hàng hiệu quả mà còn là nơi để chị em chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi kỹ năng mới và cùng nhau phát triển sản xuất.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Lào Cai đã xây dựng mạng lưới hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.900 trạm thu phát sóng di động, giúp bà con ở các vùng sâu, vùng xa tiếp cận khoa học kỹ thuật. Tính đến nay, Lào Cai đã có 205 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, với sự tham gia của 100 chủ thể. Đặc biệt, 96% các sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Chuyển đổi số đang triển khai tích cực trên địa bàn tỉnh Lào Cai bước đầu đã đem lại hiệu quả, đưa công nghệ đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần đưa các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển bền vững, thu hẹp dần khoảng cách giàu-nghèo giữa miền núi, nông thôn và thành thị. Nhờ có chuyển đổi số người dân ngày càng được tiếp cận với những tiện ích về công nghệ thông tin, từ đó mở ra cơ hội phát triển cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.

 

Tuấn Phát
Tin nổi bật
Hoạt động chuyên ngành
Thông tin - Báo cáo
Văn bản chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập