Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 205/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I/2025.
Trong đó, văn bản nêu rõ các phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của các lực lượng chức năng và sự cần thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet
Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, tăng cường kỷ luật lực lượng thực thi
Văn bản chỉ rõ các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong đó có Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
Đặc biệt, cần siết chặt kỷ luật nội bộ, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ trong lực lượng chức năng tiếp tay, bao che, bảo kê cho buôn lậu và gian lận thương mại. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhằm lan tỏa các điển hình tích cực.
Chuyển đổi số – đòn bẩy nâng cao hiệu quả chống buôn lậu
Văn bản nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác phòng, chống buôn lậu. Các lực lượng cần tăng cường chia sẻ dữ liệu, kết nối hệ thống thông tin và nâng cao hiệu quả các đường dây nóng tiếp nhận tin báo từ người dân.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác xử lý vi phạm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và đầu tư trang thiết bị hiện đại
Các lực lượng chức năng cần triển khai mạnh mẽ các chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, tập trung vào các tuyến biên giới, cửa khẩu, thị trường nội địa trọng điểm và không gian mạng. Đặc biệt, cần chú trọng đấu tranh với các hoạt động buôn bán ma túy, vàng, ngoại tệ trái phép, và hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.
Việc nâng cao năng lực thực thi thông qua đầu tư trang thiết bị hiện đại và đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho cán bộ, chiến sĩ cũng được đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm.
Kiện toàn tổ chức, siết chặt phối hợp
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ kiện toàn bộ máy từ trung ương tới địa phương, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng… Đồng thời, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ đóng vai trò chủ động đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, xử lý kịp thời các vi phạm, nhất là tại các điểm nóng về buôn lậu.
Việc theo dõi kết quả và báo cáo định kỳ trước ngày 31/5/2025 cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Trước những diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, việc siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác phòng, chống là yêu cầu cấp thiết. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, cùng với vai trò giám sát, phản ánh của người dân và sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ sẽ là yếu tố then chốt giúp từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữ vững kỷ cương pháp luật, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.