Từ buổi sơ khai, con người đã phải đoàn kết chống chọi với thú dữ, với thiên tai, Bác từng nói: ''Từ lúc đầu, loài người đã phải đấu tranh với tự nhiên để sống còn, như chống thú dữ, chống mưa nắng... Muốn thắng lợi thì mỗi người phải dựa vào lực lượng của số đông người, tức là tập thể, của xã hội. Riêng lẻ từng cá nhân thì nhất định không thắng nổi tự nhiên, không tồn tại được. Để sống còn, loài người phải sản xuất mới có ăn, có mặc. Sản xuất cũng phải dựa và lực lượng của tập thể, của xã hội, cá nhân không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hoà mình trong tập thể, trong xã hội''(l).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, kế thừa và nâng lên tầm cao của đạo lý truyền thống dân tộc bằng một định nghĩa có tính chân lý vừa là phát minh, đủ các đặc tính: bảo vệ, nguồn gốc, phương hướng; dân tộc, cách mạng; là lý luận, là thực hành; là khoa học,là lịch sử, đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công''.
Từ định nghĩa ấy của Người, cho ta biết: Đoàn kết là một phạm trù đạo đức. Mục đích của đoàn kết là tạo nên sự đồng tâm hiệp lực trong xã hội, trong tổ ấm gia đình để có sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù, thiên tai, thú dữ hoặc tội ác, Người khẳng định “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi''(2).
Đại đoàn kết là sức mạnh vô địch của nhân dân ta trong công cuộc dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Đoàn kết thống nhất theo Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm ''chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái gì mới mẻ, tươi tốt, đó là cuộc chiếu đấu khổng lồ cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân''.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra những hình thức tốt nhất để tổ chức nhân dân, Người đã sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất để đoàn kết toàn dân; sáng lập ra lực lượng vũ trang nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, sáng lập ra chính quyền nhân dân, ngay từ những ngày đầu, trong khói lửa của cuộc kháng chiến, từ Trung ương đến cơ sở, đều do nhân dân bầu ra, vì nhân dân phục vụ. Với quan điểm dựa vào sức mạnh toàn dân thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù, Người đã lãnh đạo quân dân cả nước làm nên cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam; lấy chính nghĩa thắng phi nghĩa, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, một nước nhỏ mà đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Người chủ trương đoàn kết toàn dân ''lấy sức ta mà tự giải phóng cho ta'', nhưng đồng thời phải hết sức coi trọng sức mạnh to lớn và sự đồng tình và ủng hộ quốc tế của cả loài người, đoàn kết tất cả các lực lượng ấy lại thành một lực lượng to lớn, đấu tranh toàn diện: quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao.
Đoàn kết theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là để thu phục nhân tâm con người. Vì vậy, chính Người đã thu phục được những tri thức Việt Nam ở nước ngoài như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng... và những bậc nhân sĩ yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng... cùng đoàn kết với Người để lo việc lớn của đất nước.
Nhờ đoàn kết, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; đoàn kết, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hoà bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc; đoàn kết, nhân dân ta đã giành thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hợi ở miền Bắc - tiền đề và cơ sở cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội cả nước ngày nay; ''Toàn dân ta đoàn kết nhất trí bền bỉ đấu tranh'' Tổ quốc ta đã thống nhất, Bắc - Nam đã sum họp một nhà, giang sơn liền một giải cùng đi lên củ nghĩa xã hội trong sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất cả nước.
Đoàn kết là vấn đề thuộc về bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin xem như là kết quả tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức cộng sản đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc xây dựng sự đoàn kết trong Đảng.
Đoàn kết của Đảng ''làm cho quần chúng mến Đảng, ra sức ủng hộ ĐẢNG và tự giác, tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo''(3), đưa lại Đảng - Dân một ý chí ''củng cố mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng... nhân dân thấm nhuần và thực hiện chính sách của Đảng”(4). Đoàn kết của Đảng để thực hiện Đảng cương của Đảng ''Đảng cương là lý luận nền tảng, Đảng dùng để lãnh đạo cách mạng. Nó đảm bảo cho chính trị thống nhất, tư tưởng thống nhất của Đảng. Vì vậy, mỗi đảng viên nhất định phải thừa nhận và theo đúng Đảng cương. Nếu không vậy, thì tư tưởng sẽ rối loạn, ý kiến sẽ lung tung, Đảng sẽ yếu đuối, rời rạc không làm được gì”(5).
Đoàn kết của Đảng để thực hiện Đảng cương của Đảng: ''Đảng cương là một văn kiện quy định: Phương pháp hành động, hình thức tổ chức, khuôn phép sinh hoạt nội bộ của Đảng. Nó đảm bảo tổ chức thống nhất, hành động thống nhất của Đảng. Vì vậy, mỗi đảng viên phải tuyệt đối thừa nhận và làm đúng Đảng cương. Nếu không vậy, ai muốn làm sao thì làm, sẽ đưa Đảng đến chỗ tan rã... Mỗi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo kỷ luật của Đảng. Có như vậy mới thành một Đảng đoàn kết chặt chẽ, ý chí thống nhất, hành động nhất trí Đảng cương và Đảng cương là để đảm bảo sự thống nhất của Đảng về chính trị, về tư tưởng, về tổ chức, về hành động. Đó là cái nguồn gốc của lực lượng của Đảng”(6). Đoàn kết của Đảng là giữ vững kỷ luật của Đảng ''Nhờ kỷ luật mà Đảng đoàn kết, nhất trí, mạnh mẽ, để lãnh đạo nhân dân đến thắng lợi. Sự nghiệp cách mạng của Đảng do đảng viên mà hoàn thành, cho nên mỗi đảng viên phải thật thà chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng. Lợi ích của Đảng là lợi ích chung, đảng viên phải ra sức giữ gìn nó''(7). Đoàn kết của Đảng để đảm bảo nguyên lý tự phê bình và phê bình ''Chỉ có Đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên - mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc chắn thắng lợi''(8).
Nếu toàn Đảng đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu để thi hành đường lối của Đảng thì nhất định ''nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng'', làm cho danh dự của Đảng và vai trò của Đảng càng lớn, càng vĩ đại.
Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam hơn tám thập kỷ qua chứng tỏ nhân dân ta rất giàu lòng yêu nước và tinh thần cách mạng. Nhân dân ta hết sức tin tưởng và yêu mến Đảng, vì Đảng ta có sức mạnh hơn ai hết là ở sự đoàn kết nhất trí đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: ''Cán bộ và đảng viên ta nói chung là tốt. Nhiều đồng chí đã luôn luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, ý thức tổ chức và kỷ luật, giữ vững đạo đức cách mạng, sinh hoạt giản dị, tác phong dân chủ rất xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân. Nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, số đảng viên ngày thêm đông, công việc ngày càng nhiều và phức tạp''(9), cách mạng đã chuyển từ đấu tranh giải phóng sang xây dựng đất nước. Đứng trước cơn lốc cám dỗ của cuộc sống vật chất và dòng xoáy của nền kinh tế thị trường, một số cán bộ, đảng viên, cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra các bệnh: ''Tự do chủ nghĩa - Không chấp hành đường lối chính sách của Đảng, không tôn trọng kỷ cương, pháp luật của Nhà nước; xem thường tổ chức và kỷ luật; tư tưởng bản vị, kéo bè, kéo cánh, coi bộ phận hoặc địa phương mình phụ trách như là giang sơn riêng; quan liêu mệnh lệnh: không đi sâu đi sát phong trào, không gần gũi học hỏi kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến quần chúng; thích làm ông quan cách mạng, dùng mệnh lệnh bắt mọi người quy phục mình”(10).
Truyền thống đoàn kết của Đảng từ trước đến nay luôn là một nguyên nhân cơ bản của những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, để đủ sức mạnh lãnh đạo nhân dân đi vào thế kỷ XXI; để làm tròn sứ mệnh lịch sử của Đại hội XI ''Đại hội quyết định chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN”. Cái tiên quyết của Đảng lúc này cả trong lãnh đạo, trong hành động là phải nghiêm túc làm theo sự chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ''Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. Đảng ta là một Đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Tất cả cán bộ và đảng viên phải đặt quyền lợi của Đảng, của giai cấp và của nhân dân lên trên hết, cao hơn hết.
Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao... Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để cùng nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để cùng nhau tiến bộ. Làm cách mạng thì có đúng, có sai. Cố nhiên đúng là chính, sai là phụ. Có sai thì chúng ta giúp nhau kiên quyết sửa chữa và cùng hăng hái tiến lên.
Giữa đảng viên và cán bộ với nhau phải kiên quyết gạt bỏ hết thành kiến. Thành kiến là một thói xấu, có hại. Do thành kiến mà sinh ra dè dặt với nhau, kèn cựa lẫn nhau. Nó làm cho trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng... Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Nó đẻ ra nhiều cái như xích mích, kèn cựa giữa cán bộ và đảng viên, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau. Bệnh cá nhân còn dẫn đến tệ bảo thủ quan liêu, tham ô, lãng phí, sợ khó, sợ khổ, thấy khó khăn thì đâm ra tiêu cực, bi quan''(13).
Tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trang quan trọng để Đảng của Người, dân tộc của Người đi vào tương lai mà ở đó Đảng, dân một ý chí thực hiện cho được điều mong muốn mà Người đã chuẩn bị từ thế kỷ XX để trong thế kỷ XXI chúng ta phấn đấu: “Toàn Đảng, toàn dân ta, đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.