
Huyện đoàn Si Ma Cai triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” năm 2025
Để triển khai hiệu quả phong trào, tỉnh Lào Cai xác định rõ nhiệm vụ nhằm nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và người dân. Công tác tuyên truyền được tổ chức một cách bài bản, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về chuyển đổi số, giới thiệu ý nghĩa, mục tiêu, lợi ích thiết thực của phong trào “Bình dân học vụ số” đối với người dân và cộng đồng. Các mô hình hay, cách làm sáng tạo và gương điển hình trong phổ cập kỹ năng số sẽ được nhân rộng, bên cạnh việc cung cấp thông tin cảnh báo về an toàn mạng, phòng chống lừa đảo công nghệ cao. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhân dân về chuyển đổi số và công tác phố cập kỹ năng số trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh gắn với chuyển đổi số quốc gia.
Hình thức tuyên truyền không chỉ dừng ở báo chí, loa truyền thanh cơ sở hay cổng thông tin điện tử, mà còn được mở rộng thông qua mạng xã hội, các nhóm Zalo cộng đồng và các buổi truyền thông trực tiếp tại thôn, bản, chợ phiên, khu vực công cộng. Đặc biệt, một điểm nhấn nổi bật trong chuỗi hoạt động tuyên truyền là “Ngày hội toàn dân học tập số”, được tổ chức vào ngày 10/10 hàng năm, kết hợp với Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai. Sự kiện này sẽ mang đến các hoạt động hội thảo, trải nghiệm công nghệ và lớp học số cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức và khơi dậy tinh thần học tập suốt đời. Song song với đó là các lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” cấp tỉnh, cấp cơ sở gắn với hoạt động trải nghiệm thực tế, các cuộc thi tìm hiểu kỹ năng số cộng đồng, tuần lễ công dân số… Các ấn phẩm truyền thông trực quan như áp phích, tờ rơi, pano, infographic hay video clip minh họa kỹ năng số đơn giản được thiết kế để truyền tải nội dung gần gũi, dễ hiểu, dễ áp dụng, từ đó tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền, nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo và phổ cập kỹ năng số cho từng nhóm đối tượng được triển khai sâu rộng. Đối với người dân, trọng tâm là các kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh, truy cập dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Với học sinh, sinh viên, nội dung đào tạo tập trung vào kỹ năng học trực tuyến, nhận diện nguy cơ lừa đảo qua mạng, ứng dụng AI trong học tập và sáng tạo công nghệ. Người lao động trong doanh nghiệp được hướng dẫn cách sử dụng phần mềm quản lý, thương mại điện tử, mô hình chợ số, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, du lịch, logistics, những lĩnh vực đặc thù của Lào Cai. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, chương trình đào tạo nhấn mạnh đến năng lực sử dụng các nền tảng hành chính điện tử, hệ thống quản lý văn bản, cổng dịch vụ công, AI và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin trong môi trường số.

Ngày hội truyền thông Internet, chuyển đổi số, STEM và phát triển văn hoá đọc tại trường THPT Số 3 Lào Cai
Hình thức đào tạo linh hoạt và phù hợp với từng nhóm dân cư. Người dân sẽ được học tại các buổi sinh hoạt tổ dân phố, lớp học “Bình dân học vụ số” định kỳ, hoặc qua các tình nguyện viên tại chỗ. Đặc biệt, người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được tổ chức lớp riêng, đơn giản hóa nội dung và có hỗ trợ thiết bị. Trong đó, học sinh được tiếp cận kỹ năng số từ trong chương trình giáo dục phổ thông, thông qua các môn học, các câu lạc bộ công nghệ, chương trình “học từ làm việc thực tế” liên kết với doanh nghiệp. Cán bộ, công chức được lồng ghép nội dung kỹ năng số trong các buổi sinh hoạt chuyên đề “Đảng viên tiên phong học tập kỹ năng số”, bồi dưỡng nghiệp vụ, học trực tuyến qua nền tảng MOOCs của tỉnh.
Một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu là phát huy vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ). Việc rà soát, kiện toàn và cập nhật hệ thống Tổ CNSCĐ tại 100% xã, phường sẽ bảo đảm tính thống nhất trong chỉ đạo và điều phối. Tổ công nghệ số sẽ được tập huấn định kỳ, có tài liệu hướng dẫn nhanh, và được giao chỉ tiêu hoạt động cụ thể về số lượng người dân được hỗ trợ, số buổi phổ cập, số vấn đề được xử lý. Đặc biệt, mạng lưới “Đại sứ số” tại cơ sở gồm đoàn viên thanh niên, giáo viên, sinh viên có năng lực trực tiếp hướng dẫn người dân theo mô hình “1 kèm 5”, vừa hỗ trợ thủ tục hành chính trực tuyến tại chỗ, vừa kết nối qua Zalo, điện thoại. Chiến dịch “Thanh niên chung tay phổ cập kỹ năng số” cũng được phát động, tạo thêm lực lượng lan tỏa kiến thức số trong cộng đồng.
Việc ứng dụng công nghệ trong triển khai phong trào được tỉnh chú trọng, xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá tiến độ trên nền tảng số, phát triển thư viện học liệu điện tử, bài học tương tác, video minh họa kỹ năng số đơn giản. Người dân học tập qua MOOCs, Zalo, YouTube hoặc các khóa học trực tuyến phù hợp, với tài liệu song ngữ cho vùng dân tộc thiểu số. Những công cụ hỗ trợ như ứng dụng học đơn giản, chatbot, tổng đài thông minh, nhóm Zalo hỗ trợ...được phát triển để bảo đảm khả năng tự học có hướng dẫn và tiếp cận dễ dàng.
Để thực hiện thành công phong trào, tỉnh Lào Cai sẽ huy động tổng thể nguồn lực tài chính, xã hội hóa, nhân lực và hạ tầng. Kinh phí được lồng ghép các chương trình quốc gia như chuyển đổi số, giảm nghèo, giáo dục thường xuyên, đồng thời kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức xã hội trong cung cấp thiết bị, nền tảng, học bổng và hỗ trợ truy cập Internet cho người dân. Các địa điểm học tập được tận dụng từ nhà văn hóa, thư viện cộng đồng, trường học, bưu điện văn hóa xã với đầy đủ thiết bị hỗ trợ học tập. Cùng với đó là cơ chế bố trí nhân sự đầu mối tại từng cấp để theo dõi, điều phối thực hiện phong trào chặt chẽ.
Trên cơ sở các nhiệm vụ đã triển khai, công tác giám sát và đánh giá được thực hiện một cách bài bản với các chỉ số cụ thể như tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị số, số tài khoản VNelD kích hoạt, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, số lớp học tổ chức, hay mức độ hoàn thành chỉ tiêu của từng Tổ CNSCĐ. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra định kỳ, đối chiếu kết quả giữa các địa phương và công khai bảng xếp hạng nhằm khuyến khích thi đua. Phong trào sẽ được sơ kết giữa kỳ vào năm 2027 và tổng kết toàn tỉnh vào năm 2030, đi kèm hoạt động biểu dương, khen thưởng kịp thời cho những cá nhân, tổ chức có sáng kiến và kết quả nổi bật.
Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là chiến lược mang tính nhân văn, thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh Lào Cai trong việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng xã hội và nỗ lực không ngừng từ cơ sở, phong trào hứa hẹn sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao năng lực số toàn dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số của tỉnh trong thời kỳ mới.
Bùi Giang
Theo https://chuyendoiso.laocai.gov.vn/