NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH TẬP ĐOÀN CÂY TRỒNG CHỊU LỬA VÀ KỸ THUẬT TẠO BĂNG XANH CẢN LỬA PHÒNG CHỐNG CHÁY RỪNG TẠI LÀO CAI
Cơ quan thực hiện: Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam
Thời gian thực hiện: Từ 01/2011 đến 12/2013
Kết quả xếp loại: Khá
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong thời gian vừa qua Lào Cai là một trong những tỉnh chịu nhiều thiệt hại về tài nguyên rừng do cháy rừng. Theo số liệu thống kê của Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai, từ đầu năm đến ngày 22 tháng 02 năm 2010 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 08 vụ cháy rừng làm thiệt hại 10,45 ha. Đặc biệt từ ngày 08 đến ngày 15 tháng 02 năm 2010 đã xảy ra vụ cháy rừng lớn tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm thiệt hại gần 1000 ha rừng Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Đây là vụ cháy rừng lớn nhất tại tỉnh Lào Cai kể từ năm 1971. Điều này cho thấy việc thực hiện đề tài “ Nghiên cứu xác định tập đoàn cây trồng chịu lửa và kỹ thuật tạo băng xanh cản lửa phòng chống cháy rừng tại Lào Cai ” là rất cần thiết nhằm đề xuất được các giải pháp hữu hiệu góp phần vào công tác cháy rừng, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng ở Lào Cai nói riêng và các vùng phụ cận nói chung.
II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP
1. Mục tiêu:
- Xác định được 5-7 loài cây có khả năng chống chịu lửa ở địa phương để trồng băng xanh và trồng rừng hỗn giao phòng cháy nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.
- Đề xuất được một số giải pháp kỹ thuật tạo băng xanh cản lửa và trồng rừng hỗn giao phòng cháy, chữa cháy rừng tại Lào Cai.
- Xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật lâm sinh tổng hợp cho phòng cháy rừng và mô hình điểm để chuyển giao tại Lào Cai.
2. Nội dung:
- Điều tra, đánh giá khả năng chịu lửa của các loài cây được sử dụng trồng băng xanh cản lửa ở tỉnh Lào Cai
- Nghiên cứu lựa chọn loài cây thích hợp tạo băng xanh cản lửa hoặc/và trồng rừng hỗn giao phòng cháy tại Lào Cai
- Xây dựng mô hình thử nghiệm tạo băng xanh cản lửa cho từng loại rừng ở một số kiểu địa hình khác nhau và chuyển giao kỹ thuật tại Lào Cai
3. Phương pháp nghiên cứu
- Kế thừa tài liệu, điều tra sơ thám và thu thập số liệu, xác định danh lục một số loài cây có khả năng chống chịu lửa, xác định tập đoàn cây triển vọng trồng băng xanh cản lửa.
- Xây dựng tiêu chuẩn, lượng hóa tiêu chuẩn, chuẩn hóa các tiêu chuẩn theo phương pháp đối lập, tính điểm so sánh và lựa chọn các mô hình (loài cây).
- Sử dụng các loài cây được xác định vừa có khả năng chịu lửa vừa có hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng, sinh trưởng nhanh, sẵn có tại Lào Cai để xây dựng mô hình tại 2 huyện Sa Pa và Bảo Thắng, tổng diện tích xây dựng mô hình 6 ha.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho người dân và cán bộ địa phương.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Điều tra, đánh giá khả năng chịu lửa của các loài cây được sử dụng trồng băng xanh cản lửa ở tỉnh Lào Cai
Qua điều tra kiến thức bản địa của người dân, kết hợp với điều tra thực tế trên các ô tiêu chuẩn, tham khảo ý kiến của các chuyên gia như: Kiểm lâm địa bàn, Cán bộ kỹ thuật của Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, Chuyên gia về Cháy rừng. Đề tài đã xác định được danh sách 15 loài cây chủ yếu có khả năng chống chịu lửa cao tại tỉnh Lào Cai. Đây là cơ sở để lựa chọn ra 5 - 7 loài cây dùng để xây dựng băng xanh cản lửa.
2. Nghiên cứu lựa chọn loài cây thích hợp tạo băng xanh cản lửa
Qua các chỉ tiêu theo dõi, đánh giá theo thứ tự xếp hạng từ 1- 15 khả năng chống chịu lửa của các loài giảm dần. Trong đó khả năng chống chịu lửa tốt nhất thuộc 5 loài, gồm các loài: Tai chua, Dọc, Máu chó lá to, vối thuốc, Vạng trứng… còn các loài có khả năng chống chịu lửa kém hơn như Kháo xanh, Vải rừng.
3. Xây dựng mô hình thử nghiệm tạo băng xanh cản lửa cho từng loại rừng ở một số kiểu địa hình khác nhau và chuyển giao kỹ thuật tại Lào Cai
- Đề tài đã xây dựng 04 ha mô hình trên 2 địa điểm nghiên cứu là huyện Sa Pa và huyện Bảo Thắng.
- Kết quả tình hình sinh trưởng cho thấy trên cả 4 ha mô hình ở hai khu vực nghiên cứu các cây trồng đều sinh trưởng và phát triển khá tốt, tỷ lệ sống đạt từ 80,4% đến 86% đây là tỷ lệ sống tương đối cao cho thấy thành công của mô hình. Sau thời gian gần 2 năm trồng và chăm sóc, cho thấy các loài cây trồng trên mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, đường kính trung bình của cây đạt từ 2,8 cm đến 3,5 cm, chiều cao đạt từ 1,5 m đến 1,8 m đường kính tán trung bình khoảng 1,0 m.
IV. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
- Xác định được danh lục 15 loài cây được sử dụng trồng làm băng xanh cản lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.
- Điều tra và đánh giá khả năng chịu lửa của một số loài cây bản địa. Xác định được danh mục các loài có khả năng chống chịu lửa tốt, trong đó có 5 loài chống chịu tốt nhất là Tai chua, Dọc, Máu chó lá to, Vối thuốc, Vạng trứng. Để trồng băng xanh và trồng rừng hỗn giao phòng cháy.
- Đề xuất được một số giải pháp kỹ thuật tạo băng xanh và trồng rừng hỗn giao. Bổ sung vào tổ thành rừng những loài cây có khả năng chống chịu lửa. Thay đổi phương thức và phương pháp hỗn giao để nâng cao khả năng giữ nước và mức ẩm ướt của rừng. Điều chỉnh mật độ cây rừng để giảm khả năng phát triển của cây bụi thảm tươi. Thu dọn vật liệu cháy theo băng, theo đám để đề phòng cháy lan, phát luống cây bụi dây leo và tỉa cành để giảm khả năng phát triển cháy mặt đất thành cháy tán.
- Xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật lâm sinh cho phòng cháy và xây dựng 6 ha mô hình điểm tại Bảo Thắng và Sapa để chuyển giao cho địa phương.
2. Kiến nghị
Trên cơ sở các kết quả đã nghiên cứu của đề tài, đề nghị các cơ quan, ban, ngành của tỉnh có liên quan tiếp tục tiến hành trồng thử nghiệm, đánh giá khả năng phòng cháy trước của các loài cây trên nhiều dạng lập địa khác nhau của tỉnh để hoàn thiện kỹ thuật xây dựng mô hình trồng rừng có kết cấu ổn định, bền vững đối với lửa rừng tại mỗi địa phương. Tiếp tục theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của 04 ha mô hình triển khai tại 2 huyện Sa Pa và Bảo Thắng để đảm bảo kết quả nghiên cứu của đề tài./.