Lào Cai 27° - 28°
Việt Nam hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ

Những năm vừa qua, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành xu thế phát triển khách quan của mọi quốc gia, hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hội nhập với các nước và các tổ chức quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Điều này trước hết xuất phát từ nhu cầu phát triển tự thân của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đó là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, các yêu cầu của quá trình hội nhập cũng là một động lực hết sức quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ tại Việt Nam theo xu hướng phù hợp với các hệ thống trên thế giới. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn đóng một vai trò quan trọng nhằm huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ nhu cầu phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia, bên cạnh việc góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với tinh thần đó, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn đầy đủ và hiệu quả, tương thích với các chuẩn mực quốc tế. Luật Sở hữu trí tuệ đã được ban hành lần đầu tiên vào năm 2005, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019 và được sửa đổi, bổ sung căn bản vào năm 2022 nhằm đáp ứng việc thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) (2017), gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (2019) và Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh phục vụ đăng ký sáng chế (2021), nâng tổng số các điều ước quốc tế về bảo hộ và đăng ký quốc tế quyền sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý mà Việt Nam đã gia nhập lên thành 14.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam thăm Trụ sở WIPO ngày 29/11/2021.

 

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí (ngoài cùng bên phải) tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry (giữa) trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017.

 

Tại các diễn đàn đa phương (WTO, WIPO, APEC và ASEAN) về sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, tích cực. Đáng chú ý, Việt Nam đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019 và là ủy viên 02 Ủy ban quan trọng của WIPO là Ủy ban điều phối và Ủy ban Kế hoạch – Ngân sách trong nhiều nhiệm kỳ. WIPO cũng dành sự trợ giúp quý báu cho Việt Nam thông qua việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng, triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và một số dự án quan trọng, có ảnh hưởng căn bản đến hoạt động quản trị cơ quan sở hữu trí tuệ và hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia với việc thiết lập hệ thống quản trị quy trình xử lý đơn SHCN và xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học và một số doanh nghiệp tiêu biểu.

Trong khuôn khổ ASEAN, lần đầu tiên kể từ khi gia nhập, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm Công tác về Hợp tác sở hữu trí tuệ (AWGIPC) – một nhóm công tác chuyên môn của ASEAN, nhiệm kỳ 2019-2021. Qua đó, Việt Nam đã góp phần triển khai thành công nhiều sáng kiến thuộc Kế hoạch hành động ASEAN giai đoạn 2016-2025.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí (bên phải) tiếp nhận biểu tượng Chủ tịch AWGIPC từ Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Indonesia Freddy Harris tại Lễ bàn giao vị trí Chủ tịch AWGIPC ở Bangkok, Thái Lan ngày 29/3/2019.

 

Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Cục Sở hữu trí tuệ hiện có quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều cơ quan sở hữu trí tuệ trên thế giới với 17 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đang còn hiệu lực đến thời điểm hiện tại, trong đó có các thỏa thuận hợp tác với nhóm 05 cơ quan sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới (Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). Theo đó, nhiều dự án và hoạt động hợp tác đã được triển khai có hiệu quả, tiêu biểu là các dự án hỗ trợ kỹ thuật với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các dự án với Liên minh Châu Âu, các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên đề về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ với Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ, hay các dự án phát triển công nghệ phù hợp và nhãn hiệu của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc, các dự án nghiên cứu chung về hệ thống sở hữu trí tuệ do Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc chủ trì,…Trong khuôn khổ hợp tác song phương với Nhật Bản về chỉ dẫn địa lý, lần đầu tiên các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam là vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được bảo hộ tại thị trường Nhật Bản khó tính. Sự kiện này đã gây được tiếng vang lớn trong nước và khu vực, mở ra nhiều triển vọng thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang Nhật Bản nói riêng và ra thế giới nói chung trong một tương lai không xa.

Nhìn lại chặng đường 40 năm thành lập và phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ, hoạt động hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ đã thực sự mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam. Trong giai đoạn phát triển mới của mình, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế nhằm góp phần nâng cao năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế về sở hữu trí tuệ nói riêng và trên trường quốc tế nói chung./.

vhquang-skhcn

Theo ipvietnam.gov.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin nổi bật
Hoạt động chuyên ngành
Thông tin - Báo cáo
Văn bản chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập