Lào Cai 26° - 27°
Khảo nghiệm mô hình trồng cây Chè dây (Ampelopsis cantoiensis) tại xã Mường Hum – huyện Bát Xát – tỉnh Lào Cai

 Chè dây có tên khoa học là Ampelopsis cantoniensis  Planch, thuộc họ nho (Vitaceae) là dạng cây leo, thân và cành cứng, có tua cuốn chẻ đôi, mọc đối diện với lá. Lá kép, mọc so le, có 7-13 lá chét, có khi hơn, mép có ít răng cưa, nhẵn, mặt trên khi lá khô có những vết trắng loang lổ như bị nấm mốc, mặt dưới rất nhạt. Cụm hoa hình ngù mọc đối diện với lá, hoa màu trắng. Quả mọng khi chín mầu đen, có 3-4 hạt. Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 9.

Chè dây mọc hoang, leo lên các cây bụi thấp ở ven đường hoặc ở rừng thưa. Có nhiều ở Lào Cai, Hoà Bình, Hà Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An…Chè dây là một loại dược liệu giàu chất Flavonoit và tanin, chứa 2 loại đường là Glucase và Rhamnese. Lá chứa Tanin (10.82 -13.30%), flavonoit toàn phần chiếm 18.15 +/- 0.36% trong đó myricetin chiếm 5.32+/- 0.04%.  Kết quả nghiên cứu chè Dây chữa viêm loét dạ dày của Viện dược liệu (Bộ Y tế) với các kết luận như sau: Chè Dây có tác dụng diệt vi trùng, vi khuẩn, giảm độ axit tại dạ dày, giúp cho bệnh loét dạ dày dễ liền sẹo; cắt cơn đau do viêm loét hành tá tràng……

Thực tế hiện nay, tại Lào Cai đối với chính sách ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh chưa hỗ trợ một dự án nào về trồng khảo nghiệm cũng như áp dụng đưa vào sản xuất đại trà cây chè dây. Tại một số nơi như Sa Pa, Bát Xát.. lác đác có một số hộ trồng nhưng sản xuất nhỏ lẻ, chưa có tính chất khoa học đánh giá về năng suất, chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, chưa đem lại hiệu quả cũng như chất lượng sản phẩm chưa được cao, do vậy chưa có đủ nguồn nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất đại trà sản phẩm chè dây.

Để có cơ sở khoa học, tuyên truyền cho người dân sau thành công của dự án cũng như đáp ứng được vùng nguyên liệu sản xuất chè dây, đơn vị thực hiện dự án xin tiến hành xây dựng dự án: “Khảo nghiệm mô hình trồng cây Chè dây (Ampelopsis cantoniensis) tại xã Mường Hum – huyện Bát Xát – tỉnh Lào Cai. Dự án thành công sẽ nhân rộng cây trồng này trên diện tích lớn, mang tính chất sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp bà con nông dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập tiến tới làm giàu chính đáng trên diện tích đất hiện có của địa phương.

Năm 2014, từ nguồn vốn của chương trình khuyến khích ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ của tỉnh Lào Cai, công ty TNHH MTV Traphacosapa đã  triển khai thực hiện dự án tại xã Mường Hum – huyện Bát Xát. Với quy mô 3ha cây chè dây (30.000 hom giống). Dự án được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua hom giống và 50% vật tư phân bón, sau gần 01 năm triển khai dự án đã đạt được một số kết quả như sau:

Đã mở được 01 lớp tập huấn cho các hộ dân về quy trình trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản chè dây tại thôn Ki Quan San, xã Mường Hum, huyện Bát Xát,hiện tại cây chè dây phát triển tốt, cây đạt chiều cao khoảng 50cm – 100cm, cơ quan chủ trì hiện đang đôn đốc các hộ tham gia dự án thu hoạch lứa đầu tiên.

 Ngoài ra đơn vị chủ trì dự án là công ty TNHH MTV Traphacosapa cũng đã trồng thêm được 0,7ha chè dây tại Mường Hum. Đã thu hoạch được 1,5 tấn lá khô và cũng đang vào vụ thu hoạch tiếp, sản lượng dự kiến khoảng 2 tấn lá khô.

 Từ những kết quả bước đầu đạt đươc có thể nhận thấy dự án sẽ là cơ sở để nhân rộng với quy mô lớn hơn trong những năm tiếp theo, khi hô hình thành công sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên và nhân dân trong vùng dự án./.

Tin nổi bật
Hoạt động chuyên ngành
Thông tin - Báo cáo
Văn bản chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập